Đăng ký kiểu dáng công nghiệp là một quá trình quan trọng giúp bảo vệ sự độc đáo và thiết kế của sản phẩm. Đơn đăng ký cần được nộp đến cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ, và sau đó sẽ trải qua một quy trình xét duyệt để đảm bảo tính độc quyền của kiểu dáng.
1. Kiểu dáng công nghiệp là gì?
Theo khoản 13 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2022), kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp.
2. Điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
- Kiểu dáng công nghiệp phải có tính mới:
Phải có tính mới so với thế giới: kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.
Kiểu dáng công nghiệp phải có tính mới so với chính nó. Theo đó trước khi kiểu dáng công nghiệp được nộp đơn đăng ký, chủ đơn không nên công bố kiểu dáng vì sẽ làm mất tính mới của chính nó.
- Kiểu dáng công nghiệp phải có tính sáng tạo:
Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên, kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.
- Kiểu dáng công nghiệp phải có khả năng áp dụng công nghiệp:
Tức là kiểu dáng công nghiệp có khả năng dùng làm mẫu để chế tạo, sản xuất công nghiệp, hàng loạt bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.
3. Các loại kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ
Các loại kiểu dáng được bảo hộ bao gồm:
- Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện qua hình khối, đường nét hoặc kết hợp các yếu tố này.
Ví dụ: Kiểu dáng công nghiệp của máy giặt, hộp đựng giấy, chai đựng nước, …
- Kiểu dáng công nghiệp là nhãn hàng hóa, bộ nhãn hàng hóa của sản phẩm bao gồm các yếu tố hình khối, đường nét được thể hiện hoặc kết hợp trên nhãn của sản phẩm
Ví dụ: Toàn bộ nhãn được gắn/dán lên 1 sản phẩm (nhãn của chai nước, nhãn chai dầu ăn, chai tương ớt, …)
4. Các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp
Theo qui định của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, một số đối tượng không được bảo hộ với tư cách là kiểu dáng công nghiệp như:
- Hình dáng bên ngoài được quyết định hoàn toàn bởi chức năng của sản phẩm;
- Hình dáng bên ngoài của các công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;
- Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.
- Đối tượng trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh.
5. Quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp
- Quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp là quyền của tất cả các cá nhân, tổ chức có kiểu dáng công nghiệp muốn đăng ký tại Việt Nam.
- Cá nhân, tổ chức Việt Nam, các nhân, tổ chức nước ngoài đều có thể đăng ký kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam.
- Đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam phải được nộp thông qua tổ chức Đại diện sở hữu trí tuệ.
6. Thủ tục Đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Thủ tục Đăng ký kiểu dáng công nghiệp được thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị kiểu dáng công nghiệp và phân loại kiểu dáng công nghiệp
Khi doanh nghiệp có kiểu dáng công nghiệp muốn đăng ký cần lưu ý quan trọng là phải chưa sử dụng, công bố công khai kiểu dáng trên bất kỳ phương tiện nào nhằm đảo bảo tính mới của kiểu dáng khi đăng ký.
Kiểu dáng đăng ký có thể đăng ký 1 phương án, hoặc nhiều phương án, có thể đăng ký 1 ảnh hoặc nhiều ảnh chụp của kiểu dáng dưới nhiều góc độ chụp ảnh khác nhau.
Số phương án đăng ký càng nhiều, ảnh, hình vẽ đăng ký càng nhiều thì lệ phí nộp đơn càng tăng.
Phân loại lớp kiểu dáng công nghiệp. Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp cần được phân loại theo bảng phân loại quốc tế Locarno phiên bản thứ 13 để phân loại các sản phẩm phục vụ cho việc nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, trường hợp Người nộp đơn không phân loại hoặc phân loại không chính xác thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành phân loại và người nộp đơn cần nộp phí phân loại theo quy định.
Bước 2: Tra cứu kiểu dáng công nghiệp
Để đánh giá khả năng đăng ký thành công kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam cũng như tiết kiệm chi phí và thời gian của chủ đơn, chủ đơn nên tiến hành việc tra cứu kiểu dáng công nghiệp để đánh giá khả năng bảo hộ trước khi tiến hành nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp.
Bước 3: Nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Hồ sơ đăng ký bao gồm:
- Tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp được làm theo mẫu của Cục Sở hữu trí tuệ ban hành.
- Giấy uỷ quyền (theo mẫu của Công ty luật SIPCO);
- Bộ ảnh chụp hoặc bộ ảnh vẽ kiểu dáng công nghiệp thể hiện được đầy đủ các góc nhìn của đối tượng cần đăng ký bảo hộ của kiểu dáng công nghiệp;
- Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp (in 03 bộ);
- Trong trường hợp trên kiểu dáng có chứa các dấu hiệu nhãn hiệu: người nộp đơn cần nộp tài liệu xác nhận quyền sở hữu nhãn hiệu. Cụ thể: Tài liệu xác nhận quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hợp pháp, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền nộp đơn của người khác (Giấy chứng nhận quyền thừa kế; Giấy chứng nhận hoặc Thoả thuận chuyển giao quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu; Hợp đồng giao việc hoặc Hợp đồng lao động) (01 bản);
- Trường hợp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp xin hưởng quyền ưu tiên cần cung cấp thêm bản sao đơn đầu tiên hoặc tài liệu chứng nhận trưng bày tại triển lãm, nếu trong đơn có yêu cầu được hưởng quyền ưu tiên theo Điều ước quốc tế (01 bản). Quyền ưu tiên chỉ áp dụng cho đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam;
- Tại thời điểm nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp chủ đơn chưa có đủ hồ sơ gốc, để lấy ngày ưu tiên sớm chủ đơn có thể nộp sau các giấy tờ gốc theo thời hạn như sau:
Bước 4: Thẩm định hình thức đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Thời hạn thẩm định hình thức: 01 tháng kể từ ngày nộp đơn, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành xem xét về mặt hình thức đơn.
- Nếu đơn đăng ký của doanh nghiệp đáp ứng điều kiện, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ và cho đăng công bố đơn.
- Nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp của doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra Thông báo không chấp nhận đơn và đề nghị doanh nghiệp sửa đổi. Doanh nghiệp tiến hành sửa đổi theo yêu cầu và nộp công văn sửa đổi cho Cục Sở hữu trí tuệ.
Bước 5: Công bố đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Thời hạn công bố đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp: 02 tháng kể từ ngày có Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ.
Nội dung công bố đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp là các thông tin liên quan đến đơn hợp lệ ghi trong thông báo chấp nhận đơn hợp lệ, ảnh và phân loại kiểu dáng công nghiệp.
Bước 6: Thẩm định nội dung đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Thời hạn thẩm định nội dung: 09 -12 tháng kể từ ngày công bố đơn, Cục Sở hữu trí tuệ xem xét các điều kiện đăng ký kiểu dáng công nghiệp từ đó đánh giá khả năng cấp văn bằng cho kiểu dáng công nghiệp cho chủ đơn đăng ký.
- Nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đáp ứng đủ điều kiện thì Cục Sở hữu trí tuệ ra Thông báo dự định cấp văn bằng cho kiểu dáng công nghiệp đã đăng ký.
- Nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện, Cục Sở hữu trí tuệ ra Thông báo không cấp văn bằng cho kiểu dáng công nghiệp mà doanh nghiệp đăng ký. Trong trường hợp này, chủ đơn có thể xem xét và gửi công văn trả lời, khiếu nại quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ, đồng thời đưa ra các căn cứ để cấp văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho kiểu dáng công nghiệp của doanh nghiệp.
Bước 7: Cấp văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Thời hạn cấp văn bằng: 02-03 tháng kể từ ngày nộp lệ phí cấp văn bằng.
Sau khi có quyết định cấp văn bằng, chủ đơn hoặc đại diện của chủ đơn tiến hành nộp lệ phí cấp văn bằng và nhận giấy chứng nhận đăng ký kiểu dáng công nghiệp.
7. Thời hạn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Tại Việt Nam kiểu dáng công nghiệp bảo hộ trong vòng 05 năm kể từ ngày nộp đơn. Và được gia hạn tối đa 02 lần. Theo đó tối đa một kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ sẽ được độc quyền trong vòng 15 năm (nếu gia hạn liên tiếp khi hết hạn). Sau đó kiểu dáng công nghiệp sẽ hết độc quyền và người khác có quyền sử dụng không cần sự đồng ý của chủ sở hữu.
Với đội ngũ luật sư, chuyên viên tư vấn có kinh nghiệm trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ, SIPCO tin tưởng rằng sẽ cung cấp cho Quý khách hàng dịch vụ liên quan đến đăng ký quyền sở hữu trí tuệ tốt nhất, nhanh nhất, thuận tiện nhất với chi phí hợp lý nhất.
CÔNG TY LUẬT VÀ TỔ CHỨC ĐẠI DIỆN SHTT SIPCO Tầng 5, tòa nhà The Golden Palm, 21 Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội. Tel: 024 3734.8686 - Hotline: 092 779 6428 Email: hanoi@sipco.vn Website: www.sipco.vn |