Xin cho tôi hỏi, theo quy định của pháp luật hiện hành các hành vi nào được xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ?
SIPCO xin trả lời câu hỏi trên của bạn đọc như sau:
1. Quyền tác giả là quyền gì?
Theo khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2009), quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
Cụ thể, quyền tác giả đối với tác phẩm bao gồm: quyền nhân thân và quyền tài sản
* Quyền nhân thân bao gồm:
- Đặt tên cho tác phẩm: Tác giả có quyền chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ;
- Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
- Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
- Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
(Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi tại Khoản 5 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022)
* Quyền tài sản bao gồm:
- Làm tác phẩm phái sinh;
- Biểu diễn tác phẩm trước công chúng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào tại địa điểm mà công chúng có thể tiếp cận được nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm;
- Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2022);
- Phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng thông qua bán hoặc hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác đối với bản gốc, bản sao tác phẩm dưới dạng hữu hình, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2022);
- Phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác, bao gồm cả việc cung cấp tác phẩm đến công chúng theo cách mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do họ lựa chọn;
- Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính, trừ trường hợp chương trình máy tính đó không phải là đối tượng chính của việc cho thuê.
(Khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi tại Khoản 5 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022)
2. Các hành vi xâm phạm quyền tác giả mới nhất năm 2023
Các hành vi sau đây được xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ:
(1) Xâm phạm quyền nhân thân quy định tại Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ.
(2) Xâm phạm quyền tài sản quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ.
(3) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ quy định tại các điều 25, 25a và 26 Luật Sở hữu trí tuệ.
(4) Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu biện pháp công nghệ hữu hiệu do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình nhằm thực hiện hành vi quy định tại Điều 28 và Điều 35 Luật Sở hữu trí tuệ.
(5) Sản xuất, phân phối, nhập khẩu, chào bán, bán, quảng bá, quảng cáo, tiếp thị, cho thuê hoặc tàng trữ nhằm mục đích thương mại các thiết bị, sản phẩm hoặc linh kiện, giới thiệu hoặc cung cấp dịch vụ khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị, sản phẩm, linh kiện hoặc dịch vụ đó được sản xuất, sử dụng nhằm vô hiệu hóa biện pháp công nghệ hữu hiệu bảo vệ quyền tác giả.
(6) Cố ý xóa, gỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật.
(7) Cố ý phân phối, nhập khẩu để phân phối, phát sóng, truyền đạt hoặc cung cấp đến công chúng bản sao tác phẩm khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền đã bị xóa, gỡ bỏ, thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả;
Khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật.
(8) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian quy định tại khoản 3 Điều 198b Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022.
(Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi tại Khoản 8 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022)
Với đội ngũ luật sư, chuyên viên tư vấn có kinh nghiệm trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ, SIPCO tin tưởng rằng sẽ cung cấp cho Quý khách hàng dịch vụ liên quan đến đăng ký quyền sở hữu trí tuệ tốt nhất, nhanh nhất, thuận tiện nhất với chi phí hợp lý nhất.
CÔNG TY LUẬT VÀ TỔ CHỨC ĐẠI DIỆN SHTT SIPCO Tầng 5, tòa nhà The Golden Palm, 21 Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội. Tel: 024 3734.8686 - Hotline: 092 779 6428 Email: hanoi@sipco.vn Website: www.sipco.vn |